Học SAP, Làm SAP - Bắt đầu từ đâu? (Phần 2)





Hello mọi người, welcome mọi người đã quay lại với chuỗi bài về "Học SAP, Làm SAP - Bắt đầu từ đâu?" và đây là phần 2.

Ở phần 1, mình đã giải thích sơ bộ về SAP là gì, SAP có gì và SAP làm được gì. Tuy nhiên mình chỉ dừng lại ở SAP là gì thôi. Phần này mình sẽ nói sâu hơn về cách tiếp cận giải pháp này, và một số cơ hội nghề nghiệp trong ngành.

À, thông tin thêm một tí xíu, bản thân mình là một tay ngang, không phải là người được học khối ngành kinh tế hay công nghệ thông tin hoặc hệ thống thông tin. Ngành mình được học là Điện tử Viễn thông, căn bản ban đầu mình không hề có một tí liên quan gì đến hệ thống này. Bản thân chỉ tình cờ tiếp cận được rồi làm việc thôi, và mọi thứ đều bắt đầu từ việc là không biết gì. Thế nên những điều mình chia sẻ nằm ở góc nhìn cá nhân, theo những trải nghiệm và tìm hiểu riêng của bản thân. Nên nếu có những điều gì chưa chính xác, mọi người có thể đặt câu hỏi và góp ý thêm, xin hạn chế ném đá nha, vì mình không chịu được những lời chỉ trích đâu. 😂😂😂

II - Tiếp cận với SAP từ đâu?

Ở phần trước mình đã có nói, các doanh nghiệp khi vận hành thì bắt buộc có 1 hệ thống để sử dụng, đó có thể là các phần mềm nhỏ nhỏ cho từng bộ phận như là phần mềm kế toán cho bên kế toán, phần mềm CRM cho bên marketing và bán hàng, hay POS cho các cửa hàng bán lẻ, hoặc các phần mềm chuyên dụng cho từng phòng ban, từng bộ phận...hay đơn giản nhất là người khổng lồ Microsoft Excel.

Khi các bạn là 1 phần trong doanh nghiệp, ở các phòng ban đó, bạn sẽ cần sử dụng ít nhất 1 trong các hệ thống đó. Và nếu bạn là một nhân viên văn phòng ở trong một doanh nghiệp sử dụng SAP thì bạn cũng sẽ phải dùng SAP ở một chức năng nào đó.

Ví dụ bên phòng mua hàng, bạn cần tạo các thông tin nhà cung cấp, hợp đồng mua bán, PR (Purchase Request), PO (Purchase Order),... rồi đợi cấp trên phê duyệt thông tin. Hay bên phòng bán hàng, cần kiểm tra giá cả, tồn kho hàng hóa, xác nhận đơn hàng,... Kế toán kiểm tra công nợ nhà cung cấp, các chứng từ hạch toán kế toán, kiểm tra thanh toán từ khách hàng,... tất tần tật những nghiệp vụ đó các bạn phải đụng đến hệ thống SAP.

Vậy nên việc sử dụng SAP nó cũng giống như việc các bạn biết sử dụng máy tính và Windows, Word, Excel khi làm việc vậy nhưng nó cần ở một mức độ cao hơn.

Về cơ hội nghề nghiệp trong ngành này, có thể bạn là End User từ các doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống ở mức độ căn bản nhất. Sau đó sẽ tìm hiểu và học về hệ thống từ trong quá trình làm việc hoặc sang các đối tác triển khai.

Khi doanh nghiệp muốn sử dụng hệ thống SAP thì cần mua dịch vụ triển khai từ 1 bên khác. Điều này cần nói rõ hơn một tí, hiện tại SAP sẽ là đơn vị phát triển các sản phẩm của họ và tại mỗi khu vực, mỗi quốc gia cần phải có các đối tác thực hiện việc triển khai hệ thống này. SAP sẽ không trực tiếp triển khai giải pháp cho khách hàng. Việc hợp tác này sẽ mang lại nhiều lợi ích như là việc mỗi quốc gia có các chính sách, luật pháp khác nhau, tính bản địa hóa khác nhau, đặc thù của mỗi vùng cũng khác nhau nên việc triển khai và hỗ trợ từ các đối tác tại mỗi quốc gia sẽ nhanh chóng và kịp thời hơn. 

Hiện tại SAP đã có đâu đó hơn 20,000 đối tác chính thức trên toàn cầu và ở Việt Nam, hiện tại theo danh sách mình tìm được trên trang chủ của SAP là 26 đối tác chính thức.

Với 1 lượng khách hàng lớn, đa dạng trong nhiều ngành nghề, các đối tác uy tín, hoạt động lâu năm vậy thì có thể thấy là chúng ta có khá nhiều cơ hội để làm việc trong ngành này.

>> Đọc thêm: 

           "Các điều kiện cần có để làm việc và phát triển trong ngành SAP"

           "Một hướng đi của ngành Hệ thống thông tin: Nghề ERP"

           "Định hướng nghề nghiệp với SAP"

           "Sơ lược vị trí SAP Consultant và lộ trình phát triển nghề nghiệp"

Thực trạng thì hiện nay nguồn nhân lực hiện tại trong ngành ERP nói chung và SAP nói riêng hiện đang khá khan hiếm. Nhân lực hỗ trợ cho SAP hiện tại cực kỳ thiếu đặc biệt là cho các doanh nghiệp đang sử dụng SAP.

Lý do của tình trạng này là do các doanh nghiệp sử dụng SAP hiện nay càng lúc càng nhiều nhưng nguồn nhân lực cho ngành này hiện nay chưa đáp ứng đủ trong quá trình đào tạo.


*Source: SAP Training and Adoption SEA, June 2021


Có phải đây là một cơ hội khá tốt dành cho các bạn muốn chuyển sang làm về SAP khi nguồn cung không đủ so với nhu cầu thị trường?!!!


III - Một số định hướng nghề nghiệp ngành SAP

Tùy thuộc vào định hướng nghề nghiệp mà các bạn có thể làm việc ở hãng SAP, hay là tại các đối tác triển khai hệ thống hoặc là các doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống này.




Với các vị trí từ quản lý dự án hay là tư vấn triển khai (Consultant) thì bạn sẽ đóng vai trò là một người tư vấn cho các doanh nghiệp chưa sử dụng SAP về các  quy trình nghiệp vụ vận hành trong tương lai sẽ như thế nào, quy trình nào là tốt nhất cho doanh nghiệp so với các quy trình nghiệp vụ hiện tại của họ khi mà không có SAP.

Và dù bạn đứng ở vai trò là người dùng hệ thống hay là Consultant thì bạn cũng sẽ không biết được hết tất cả các quy trình nghiệp vụ trong doanh nghiệp. Thế nên chúng ta sẽ có một số định hướng chuyên sâu hơn.




Với các bạn bên khối CNTT có thể trở thành người lập trình, tích hợp, phát triển hệ thống từ bên đối tác triển khai. Bạn sẽ cần có kiến thức về hệ thống cơ sở dữ liệu, lập trình và học thêm một ít về quy trình doanh nghiệp (business process). Các hệ thống này đều có core sẵn rồi nên các bạn không cần phải lập trình lại từ đầu mà dựa vào đó phát triển lên thêm theo các yêu cầu vận hành. Còn đối với bên phía doanh nghiệp sử dụng hệ thống, các bạn có thể trở thành IT Manager để hỗ trợ hệ thống hoạt động, có thể là từ việc hỗ trợ người dùng, phát triển các báo cáo mới, hoặc nếu có một số thay đổi khác như là mở rộng thêm nhà máy sản xuất hay các cửa hàng, kho bãi,...thì cần xử lý trên hệ thống như thế nào

Còn đối với các bạn bên khối kinh tế muốn làm ở vị trí Consultant sẽ cần thời gian nhiều hơn đâu đó là từ 1-3 năm chỉ để theo học ở các công ty đang triển khai hệ thống hoặc bên các đối tác triển khai hệ thống. Sau đó mình mới có khả năng để triển khai cho các dự án mới. Trong quá trình này bạn sẽ được học thêm các kiến thức chuyên sâu hơn về việc xác định các quy trình nghiệp vụ từ đầu tới cuối; bổ sung các kiến thức về các functional mà bạn chọn để làm việc như là tài chính kế toán, kế toán quản trị, chuỗi cung ứng, kho vận, hàng hóa, quy trình mua bán, sản xuất,...

Về ngành Hệ thống thông tin quản lý thì các bạn thông thường đã được học 3 khối kiến thức chính là khối kiến thức về khoa học kinh tế (kế toán, quản trị, marketing, kinh tế, luật pháp,..), khối kiến thức cơ bản về ngành hệ thống thông tin (lập trình, cơ sở dữ liệu,...) và khối kiến thức chuyên ngành (thiết kế hệ thống, ERP, CRM, DMS, SCM, Thương mại điện tử,...) nên việc tiếp cận hệ thống SAP có phần dễ hơn các bạn khác.

IV - Mức lương ngành SAP

Với các yêu cầu như vậy thì bây giờ chúng ta sẽ sang phần hấp dẫn hơn: Mức lương ngành SAP

Đây là một thông tin khá nhạy cảm, nên mình chỉ thống kê lại các thông tin "lương" được công bố thôi nha, còn "lậu" thì tùy từng chính sách của mỗi công ty mà có những phúc lợi riêng. 



Đầu tiên là theo thống kê từ trang tuyển dụng Vietnamworks, mức lương bình quân đâu đó khoản hơn 1000$/tháng cho vị trí SAP Consultant.

Và sau đó thì mình tìm được thêm một số thông tin theo thống kê như sau:


Trên đó là một số thông tin chính thức, còn các thông tin không chính thức thì còn có thể cao hơn nữa vì như mình đã nói ở trên: nguồn nhân lực hiện tại đang rất khan hiếm.

Thông tin về lương hoặc các phúc lợi liên quan cụ thể hơn thì các bạn có thể search trên Google. 

Trong phần tiếp theo mình sẽ viết về các thông tin điều kiện để làm trong ngành SAP, lộ trình nghề SAP Consultant cơ bản và làm thế nào để rút ngắn lộ trình đó hơn. Mọi người nhớ đón xem nha vì bài đó sẽ có 1 số thông tin quảng cáo nữa.

Học SAP, Làm SAP | Bắt đầu từ đâu (Phần 1)

Học SAP, Làm SAP | Bắt đầu từ đâu (Phần 3)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét