Chào mọi người đã đến với bài viết này. Trong quá trình mình share các thông tin về hệ thống SAP, có khá nhiều bạn có nhắn tin cho mình để hỏi các thông tin về lĩnh vực này nên hôm nay mình muốn chia sẻ các thông tin mà mình biết và đã trải qua. Mình sẽ giải thích theo góc nhìn chủ quan của mình về ngành này là gì, để học nó cần bắt đầu từ đâu, lộ trình nghề nghiệp,...
Bài viết này mình dành tặng các bạn sinh viên khối ngành kinh tế, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin mới ra trường chưa có định hướng nghề nghiệp cụ thể, hoặc các anh chị muốn chuyển hướng sang làm SAP nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Còn nếu các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp mà chưa biết ERP hay SAP thì có thể đọc qua bài viết: "Một hướng đi của ngành hệ thống thông tin: Nghề ERP"
Tất nhiên đây chỉ là những ý kiến chủ quan với những trải nghiệm còn khá là hạn hẹp riêng của bản thân mình, hãy xem như một nguồn tham khảo, nếu không đúng với hoàn cảnh thực tế của các bạn đã trải qua, chúng ta có thể cùng trao đổi hoặc vui lòng bỏ qua. Bài viết có tham khảo thêm thông tin từ anh Lam Quoc Dat.
Hoặc bạn có thể bỏ qua bài viết này và xem trực tiếp: Lộ trình tự học SAP cho mọi người
hay: Phân biệt SAP Training và SAP Learning | Các đối tác đào tạo SAP tại Việt Nam
OK, Let's go nha!!!
I - SAP là gì, SAP có gì, và SAP làm được gì?
Bây giờ các bạn có thể lên google search 1 phát là ra ngay: SAP là tên viết tắt của cụm từ System Application Programing, đây chính là tên của công ty cung cấp phần mềm nổi tiếng tại nước Đức. Cái này thì ai cũng search được, nên mình không nói lại nữa. Để bắt đầu thì mọi người có thể hình dung theo một vài ví dụ sau đây:
Trước đây, khi các bạn muốn làm các thao tác chuyển tiền hay vay tiền đều sẽ phải ra trực tiếp các ngân hàng, xong rồi vào các phòng giao dịch thì nhân viên ngân hàng sẽ check hồ sơ các kiểu,... thì bây giờ hầu như mọi người đều sử dụng các app của ngân hàng liên quan đến việc chuyển tiền, ATM, kiểm tra số dư tài khoản,... trên điện thoại.
Các bạn cũng hay đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử như Lazada hay Shopee, Grabfood,... bằng các app trên điện thoại (hoặc theo tác trên website) thay vì phải trực tiếp đi đến cửa hàng.
Như vậy chúng ta có thể thấy các app hiện tại sẽ mang tính kết nối và phục cuộc sống dễ dàng hơn.
Vậy có bao giờ các bạn nghĩ rằng đằng sau các app đó là những gì không?
Mình có một chiếc hình minh họa ví dụ, các bạn xem bên dưới:
Trong đây các bạn có thể thấy, chỉ với 1 app bình thường khi các bạn sử dụng chỉ cần mở app, đăng nhập, thực hiện các thao tác tìm kiếm, đặt hàng, xác nhận thanh toán,... thì thực ra đằng sau các app này có 1 hệ thống khá lớn để vận hành bên dưới và nó quản lý tất cả các thông giao dịch của khách hàng tới nhà cung cấp. Các hệ thống này sẽ lưu tất cả thông tin từ đầu ra đến đầu vào từ lúc mình mua hàng, rồi vận chuyển, bỏ hàng vô kho, đem hàng hóa đi bán, thu tiền, lời lỗ bao nhiêu,... đều sẽ được ghi nhận lại. Ngoài Excel để báo cáo số liệu, khi cần ghi nhận tất cả các thông tin này, doanh nghiệp thường hay sử dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin để vận hành.
Hiện nay có rất nhiều công ty cung cấp các phần mềm dành cho doanh nghiệp và cũng có khá nhiều các hệ thống như: các phần mềm kế toán, rồi phần mềm bán hàng (POS), phần mềm chấm công, phần mềm nhân sự, CRM (Customer Relationship Management), DMS (Distribution Management System), ERP (Enterprise Resource Planing) ... các hệ thống này sẽ do nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau viết ra để đáp ứng 1 yêu cầu đặc thù nào đó trong từng ngành nghề cụ thể nào đó. Các hệ thống được nêu ở trên được xem là 1 phần của hệ thống thông tin. Vấn đề cũng sẽ phát sinh từ đây khi mỗi phòng ban sử dụng một hệ thống riêng nên sẽ thiếu tính đồng bộ và phối hợp với nhau.
Hệ thống mà mình đề cập đến trong bài viết này được gọi là hệ thống ERP, viết tắt của từ Enterprise Resource Planning. Enterprise thông thường sẽ nói đến các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn hoặc các tập đoàn. Resource được dịch ra là nguồn lực. Nguồn lực ở đây là để chỉ về năng lực sản xuất, quản lý hàng hóa, dòng tiền, nhân sự,... Planning là hoạch định, lập kế hoạch.
Khác với các phần mềm khác, ví dụ như phần mềm kế toán chỉ dành cho bên phòng kế toán làm việc, POS dành cho các bạn bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ, DMS, CRM,... chỉ dành cho một số phòng ban nhất định trong doanh nghiệp, ERP là một hệ thống được triển khai cho toàn bộ công ty và các phòng ban sẽ làm việc trên một hệ thống duy nhất.
Tất nhiên là các hệ thống này đôi lúc cũng sẽ không thể nào đáp ứng được toàn bộ các yêu cầu về vận hành đặc thù chuyên sâu của một doanh nghiệp được mà cũng cần phải tích hợp thêm một vài hệ thống khác lại với nhau.
Đây là giải pháp SAP S/4 HANA, ngoài các module chính trong bộ giải pháp bao gồm Finance, Merchandising Procurement, Sales, Production, Controlling, Maintenance,... thì cũng cần có thêm một số bộ giải pháp chuyên sâu hơn từ bên thứ 3 có liên quan cho từng ngành nghề cụ thể.
Hoặc phức tạp hơn một tí, ví dụ tại nhà hàng, siêu thị, hay các cửa hàng bán lẻ sẽ có thêm hệ thống POS (Point of Sales) (là các máy tính tiền ngay quầy thu ngân khi các bạn cần thanh toán một dịch vụ hoặc hàng hóa nào đó). Trong hệ thống này, phần quản lý khách hàng, các chương trình khuyến mãi (trên hệ thống CRM) thường tích hợp vào hệ thống POS, còn ERP sẽ là một core back-end để quản lý về mặt tài chính, master data.
Tóm lại các thông tin viết dài dòng ở trên thì chỉ có một vài ý ngắn gọn: khi người dùng sử dụng một dịch vụ nào đó thì có cả nguyên một hệ thống phức tạp đang vận hành để phục vụ cho cả khách hàng và chính bản thân doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn. Việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin vào doanh nghiệp thì được gọi là "số hóa" hoặc "chuyển đổi số" trong công tác quản trị.
>> Đọc thêm:
"Các điều kiện cần có để làm việc và phát triển trong ngành SAP"
"Một hướng đi của ngành Hệ thống thông tin: Nghề ERP"
"Định hướng nghề nghiệp với SAP"
"Sơ lược vị trí SAP Consultant và lộ trình phát triển nghề nghiệp"
Việc sử dụng SAP mang lại khá nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:
- Rút ngắn thời gian tính toán, xử lý đơn hàng
- Các thông tin được chia sẻ nhanh từ cấp trên đến các bộ phận phụ trách
- Giảm thiểu khá nhiều chi phí phân phối, vận chuyển và quản lý nhân công
- Tạo ra quy trình làm việc hiệu quả, thân thiện, chuyên nghiệp cho các nhân viên trong công ty
- Giảm thiểu các rủi ro về tài chính trong quá trình quản lý
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của bản thân mình, SAP hiện có khá nhiều các sản phẩm.
- Dành cho bên ERP thiên về quản lý tài chính sẽ có SAP S/4 HANA, SAP Business One, SAP By Design
- Giải pháp SAP cho quản lý chi tiêu sẽ có SAP Ariba Spend Analysis, SAP Strategic Sourcing Solutions and Software, SAP Product Sourcing Software
- Bên trải nghiệm khách hàng sẽ có SAP Commerce Cloud, SAP Upscale Commerce
- Giải pháp SAP quản lý chuỗi cung ứng (SCM) gồm SAP Integrated Business Planning và SAP Ariba Supply Chain Collaboration for Buyers
- Trong quản trị nguồn nhân lực sẽ có SAP SuccessFactors và SAP Qualtrics
... Và còn nhiều giải pháp nữa từ SAP mà mình chưa biết được hết.
Trong các sản phẩm vừa nêu, ở thị trường Việt Nam có SAP S/4 HANA và SAP Business One là các giải pháp nổi tiếng nhất, có nhiều partner triển khai, được áp dụng nhiều nhất trong các doanh nghiệp và được biết tới là một giải pháp ERP.
Đây là một số khách hàng tiêu biểu đang sử dụng SAP trên thế giới. Trong này mọi người có thể thấy là có khá nhiều công ty thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, mô hình hoạt động cũng khác nhau đang sử dụng hệ thống SAP cho việc quản trị và vận hành của họ.
Còn ở Việt Nam, hiện tại có khá nhiều doanh nghiệp đầu ngành đang sử dụng SAP mà mình có thể kể tên theo danh sách dưới đây:
0 Nhận xét